Tài sản thế giới thực (RWAs) được coi là bước ngoặt quan trọng đối với thị trường crypto, bởi chúng tạo dựng một chiếc cầu nối giữa tài chính phi tập trung (DeFi) và thị trường tài chính truyền thống. Điều này giúp cho các doanh nghiệp truyền thống có thể thuận tiện hơn trong việc tiếp cận với tiền mã hóa và đồng thời mở ra các ứng dụng mới cho tài sản thực.
Hãy cùng khám phá narrative này trong bài viết sau đây!
Real-world assets (RWAs) là gì?
Tài sản thế giới thực (RWAs), hay còn được gọi là tài sản có giá trị trong đời sống thực, bao gồm nhiều loại tài sản ngoài blockchain và tiền điện tử như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, tiền tệ và các tài sản khác có giá trị thực tế.
RWAs được chuyển đổi thành token trên blockchain để tạo ra các phiên bản kỹ thuật số, cho phép nhà đầu tư tương tác với thế giới tài chính truyền thống thông qua nền tảng blockchain và DeFi. Việc token hóa này không chỉ cải thiện thanh khoản mà còn tăng cường khả năng tương tác giữa thế giới blockchain và thế giới thực.
Mã hóa tài sản trong thế giới thực
Token hóa tài sản thế giới thực là quá trình chuyển đổi quyền sở hữu của tài sản thành token trên blockchain. Điều này tạo ra một phiên bản kỹ thuật số cho tài sản gốc, giúp dễ dàng quản lý quyền sở hữu trên blockchain và làm giảm khoảng cách giữa tài sản vật lý và kỹ thuật số.
Trong lĩnh vực tài chính, token hóa RWA (Real World Assets) tích hợp các quy trình từ phân phối đến giao dịch, thanh toán và bảo quản an toàn vào một hệ thống duy nhất trên blockchain. Điều này tạo điều kiện cho một hệ thống tài chính trực tuyến hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro phía đối tác và nâng cao khả năng huy động vốn.
Các bước trong quá trình token hóa tài sản bao gồm:
- Chọn lựa tài sản: Xác định tài sản thế giới thực nào sẽ được biểu diễn dưới dạng token trên blockchain.
- Thông số kỹ thuật của token: Định rõ loại token, tiêu chuẩn của token (ví dụ: ERC20 hoặc ERC721), và các chi tiết khác của token.
- Lựa chọn mạng blockchain: Chọn lựa một mạng blockchain công khai hoặc riêng tư để phát hành token. Sử dụng giao thức CCIP của Chainlink để triển khai RWA trên bất kỳ blockchain nào.
- Kết nối ngoại tuyến: Sử dụng dữ liệu từ các nguồn đáng tin cậy, như Bằng chứng dự trữ Chainlink (PoR), để xác nhận tài sản đứng sau token RWA, nhằm đảm bảo tính minh bạch cho người dùng.
- Phát hành: Triển khai hợp đồng thông minh trên mạng đã chọn, tạo token và cung cấp chúng cho việc sử dụng.
Ưu điểm của RWAs
RWAs cung cấp nhiều lợi ích đáng kể so với tài sản truyền thống, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của thị trường tài chính:
- Cải thiện tính thanh khoản: Khi được mã hóa trên blockchain, RWAs có thể được tách thành các đơn vị nhỏ hơn, làm cho chúng dễ mua bán và giao dịch hơn so với các tài sản truyền thống. Hơn nữa, blockchain cung cấp một nền tảng phi tập trung, cho phép giao dịch RWAs mã hóa liên tục 24/7 trên phạm vi toàn cầu, thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng.
- Tăng cường minh bạch: Tất cả các giao dịch liên quan đến RWAs mã hóa được lưu trữ vĩnh viễn trên blockchain, tạo ra một sổ cái công khai, minh bạch và không thể sửa đổi. Lịch sử và quyền sở hữu của RWAs mã hóa được theo dõi một cách rõ ràng trên blockchain, giúp ngăn chặn gian lận và thao túng thị trường.
- Mở rộng khả năng tiếp cận: RWAs mã hóa có thể được mua với số vốn ít hơn so với tài sản truyền thống, cho phép nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, tham gia vào thị trường. Bất kỳ ai có kết nối internet cũng có thể truy cập và giao dịch RWAs mã hóa, loại bỏ các rào cản về địa lý và mở rộng thị trường ra toàn cầu.
Những thách thức liên quan
Dù việc mã hóa RWAs mang lại nhiều lợi ích, vẫn có những thách thức cần được khắc phục để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường:
- Thách thức về quy định: Mỗi quốc gia có bộ quy định riêng biệt đối với thị trường tiền điện tử, làm phức tạp hóa quá trình phát hành và giao dịch RWAs mã hóa trên toàn cầu. Thêm vào đó, sự thiếu vắng một khung pháp lý rõ ràng cho RWAs mã hóa cũng tạo ra sự không rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, từ đó gây ra rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp.
- Vấn đề lưu trữ tài sản: Đảm bảo an toàn cho tài sản thế giới thực hỗ trợ cho RWAs mã hóa là một yếu tố quan trọng. Rủi ro bị đánh cắp, gian lận hoặc xử lý tài sản không phù hợp có thể gây tổn thất cho nhà đầu tư và làm suy giảm lòng tin vào thị trường. Do đó, việc chọn lựa một giải pháp lưu ký an toàn và đáng tin cậy là thiết yếu để bảo vệ tài sản và tuân thủ các quy định.
- Định giá tài sản: Xác định giá trị chính xác của tài sản thế giới thực và chia nhỏ chúng thành các đơn vị token có thể giao dịch là quá trình phức tạp và chủ quan. Sai lầm trong đánh giá có thể dẫn đến việc RWAs mã hóa được giao dịch với giá không chính xác, làm thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường.
Tổng kết
Mình nghĩ rằng, sự kết hợp và chuyển dịch tài sản giữa thị trường tài chính truyền thống (TradFi) và tài chính phi tập trung (DeFi) thông qua RWA sẽ trở thành một xu hướng nổi bật trong tương lai. RWAs có tiềm năng trở thành một chủ đề lớn và kéo dài trong thị trường crypto, từ đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong vài năm tới.
Việc áp dụng RWAs trong DeFi mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, cũng như đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.