Trong cuộc họp kinh tế thường niên vừa qua, lãnh đạo Trung Quốc đã thống nhất thâm hụt ngân sách 3% GDP trong năm 2024. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ tài khóa khác có thể được bổ sung bằng nguồn nợ ngoại bảng.

Mặc dù mức thâm hụt thấp hơn so với mục tiêu 3,8% đã được điều chỉnh của năm nay, cho thấy Bắc Kinh muốn duy trì kỉ luật tài chính và không cân nhắc tung gói kích thích mạnh tay vào năm tới, nhưng lựa chọn phát hành nợ chủ quyền ngoài bảng này vẫn mang lại sự linh hoạt để tăng cường kích thích nhằm duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế.

Trái phiếu Chính phủ Đặc biệt

Hai nguồn tin tiết lộ cho Reuters, Trung Quốc có thể phát hành trái phiếu Chính phủ Đặc biệt để trang trải chi tiêu bổ sung khi cần thiết. Một nguồn tin cho biết, con số có thể lên tới 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140,16 tỷ USD).

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị quốc tế tại Bắc Kinh, ngày 10/03/2023. Nguồn: Reuter
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị quốc tế tại Bắc Kinh, ngày 10/03/2023. Nguồn: Reuter

Việc phát hành trái phiếu này nhằm linh hoạt bổ sung nguồn lực cho các mục tiêu kích thích kinh tế duy trì tăng trưởng ổn định, trong khi vẫn kiểm soát thâm hụt ngân sách chính thức.

Trung Quốc đã từng sử dụng trái phiếu Chính phủ Đặc biệt trước đây:

  • Năm 2020, phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ để ứng phó COVID-19.
  • Năm 2007, phát hành 1,55 nghìn tỷ nhân dân tệ để tăng vốn quỹ đầu tư quốc gia.
  • Năm 1998, phát hành 270 tỷ nhân dân tệ để tái cơ cấu vốn các ngân hàng nhà nước.

Trái phiếu Đặc biệt không nằm trong kế hoạch ngân sách thường niên của Trung Quốc, được coi là biện pháp phi thường huy động nguồn lực cho các dự án hoặc mục tiêu chính sách cụ thể trong thời điểm cần thiết.

Thâm hụt ngân sách và chi tiêu địa phương

Một nguồn tin cho biết, thâm hụt ngân sách năm 2024 của Trung Quốc dự kiến là 3% GDP, phần thiếu hụt có thể được bổ sung bằng trái phiếu Chính phủ Đặc biệt. Bên cạnh đó, hạn mức trái phiếu của chính quyền địa phương, nằm ngoài ngân sách chính phủ, cũng là một phần quan trọng trong chính sách tài khóa tổng thể.

Một nguồn tin cho biết, hạn mức này có thể lên tới 4 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2024, so với 3,8 nghìn tỷ nhân dân tệ của năm nay.

Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuần trước cho biết chính sách tài khóa sẽ "linh hoạt, vừa phải, chính xác và hiệu quả".

Mục tiêu tăng trưởng và những thách thức

Các nhà tư vấn chính phủ Trung Quốc đã tiết lộ với Reuters, họ sẽ đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 4,5% đến 5,5%, hầu hết ủng hộ mục tiêu khoảng 5% - tương đương với năm nay. Bên cạnh đó, ba nguồn tin sau cuộc họp thường niên đều xác nhận, Trung Quốc có khả năng đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2024.

Các nhà đầu tư đang giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của Trung Quốc sau khi bị Moody's hạ xếp hạng tín dụng tuần trước, do lo ngại về chi phú cứu trợ các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước nợ nần, cũng như kiểm soát khủng hoảng bất động sản.

Nợ chính phủ địa phương đã lên tới 92 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 76% GDP năm 2022, tăng từ 62,2% năm 2019, theo dữ liệu của IMF.

Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ dự trữ một số linh hoạt xung quanh thâm hụt ngân sách trong năm tới, đề phòng trường hợp kinh tế không đạt kỳ vọng.