Ví điện tử đầu tiên để lưu trữ Bitcoin được tạo ra từ năm 2009, thời điểm đa số cộng đồng đầu tư còn chưa nghe nói về tài sản số.
Hiện tại, ví điện tử là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DEFI). Nhiều ông lớn trên thị trường đang chạy đua để hoàn thiện sản phẩm ví điện tử như: Metamask, Trust Wallet, SafePal,…
Tuy nhiên, khi Bitcoin cùng công nghệ Blockchain mới ra đời, chỉ tồn tại 1 ví điện tử duy nhất do cha đẻ Bitcoin Satoshi Nakamoto phát triển. Ông đã đặt cho nó cái tên Bitcoin-QT, sau là Bitcoin Core, và vẫn được sử dụng tới ngày nay.
Theo các dữ liệu còn lưu lại trên Bitcointalk, diễn đàn do những nhà nghiên cứu công nghệ Blockchain đời đầu thành lập, ví QT có cách hoạt động khá dễ hiểu. Để sử dụng ví, khách hàng phải tải xuống toàn bộ lịch sử các giao dịch trên chuỗi khối để đồng bộ hóa.
Ở thời điểm sơ khai của mạng lưới Blockchain Bitcoin, đây không phải vấn đề lớn khi dữ liệu không quá nhiều. Do đó, thời gian tải xuống, cài đặt ví trên máy tính cá nhân không quá lâu. Đánh giá về ví điện tử QT vào năm 2012, Vitalik Buterin, cha đẻ đồng Ethereum nói:
“Nó tương tự như một node Blockchain hoàn thiện, nên khách hàng buộc phải tải xuống toàn bộ lịch sử chuỗi khối. Dữ liệu này nặng khoảng 6 gigabyte và tiêu tốn của người dùng vài ngày để tải về. Ngoài ra, mỗi lần khởi động ví cũng tốn vài phút, tốt nhất các bạn nên để nó chạy liên tục”.
Để so sánh, tổng dữ liệu ghi lại trên Blockchain Bitcoin đạt 250 gigabyte vào năm 2019 và còn nặng hơn gấp nhiều lần vào 2023. Vì vậy, việc sử dụng ví Bitcoin-QT hiện tại đã tốn thời gian hơn trước khá nhiều.
Cha đẻ Bitcoin Satoshi Nakamoto tiếp tục phát triển ví điện tử Bitcoin-QT song song với mạng lưới Blockchain Bitcoin. Quá trình này chỉ dừng lại khi ông tuyên bố lui về ở ẩn vào tháng 10/2010 sau sự kiện lịch sử Wikileaks.
Những người đầu tiên sử dụng ví được Satoshi gửi mật khẩu trên một tệp cài đặt ngay trong tài khoản khách hàng. Theo chia sẻ của các lập trình viên trên diễn đàn Bitcointalk, tệp mật khẩu lưu trên máy tính để bàn được mặc định với tên “wallet.dat”.
Trong quá khứ, không ít người dùng nhầm đã lẫn tệp “wallet.dat” với tập tin rác và xóa nó đi. Ở một số trường hợp khác, kẻ xấu tìm ra cách truy cập vào máy tính nạn nhân và chiếm đoạt được mật khẩu này. Kết quả, hàng chục nghìn Bitcoin bị đánh cắp hoặc thất lạc vĩnh viễn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá, ngoài sự cố về cách lưu trữ mật khẩu, các chức năng khác trên ví Bitcoin-QT do Satoshi sáng tạo vẫn hoạt động rất hiệu quả. Ở giới hạn công nghệ vào những năm 2010, ví Bitcoin-QT có mức độ bảo mật không hề tệ.
“Nếu bạn hỏi bất kỳ ai từng đầu tư tiền điện tử từ trước năm 2012, họ sẽ đều nhớ về trải nghiệm thú vị với ví Bitcoin-QT. Việc nhìn từng đồng Bitcoin lần lượt được chuyển vào ví giống như đang chiêm ngưỡng một loại phép thuật nào đó”, thành viên diễn đàn Bitcointalk chia sẻ.
Bắt đầu từ phiên bản 0.9.0, cộng đồng đầu tư tiền điện tử đã nghĩ đến việc đổi tên ví Bitcoin-QT. Gavin Andresen, cộng sự thân thiết của Satoshi Nakamoto đề xuất tên gọi “Bitcoin Core”. Ông giải thích từ “core” hay “cốt lõi” nghe có vẻ mạnh mẽ và làm mọi người nghĩ đến một thứ có tính chất quan trọng. Nhiều lập trình viên lên tiếng phản đối ý tưởng của Gavin, tuy nhiên, tên gọi “Bitcoin Core” vẫn được thông qua.
Sau hơn 10 năm phát triển, thực tế đã chứng minh nhận định của Gavin Andresen là chính xác. Hiện ví điện tử đóng vai trò không thể thiếu trong hệ sinh thái Blockchain. Những nhà đầu tư mới tham gia thị trường vẫn có thể trải nghiệm ví Bitcoin Core thông qua đường dẫn trên trang web bitcoin.org.
“Ngoài nhược điểm ít tính năng, chiếm dung lượng bộ nhớ, ví Bitcoin Core cung cấp mức độ bảo mật, quyền riêng tư và tính ổn định cao. Đặc biệt, sự tồn tại của nó là minh chứng cho nỗ lực mà các lập trình viên Blockchain đời đầu đã thực hiện nhằm đưa Bitcoin đến gần hơn với thế giới”, tờ News Bitcoin nhận xét.