Sau bài đăng phân tích chi tiết về dự án memecoin BONK hôm 21/7, một thành viên cộng đồng CafeBit đã chia sẻ trên Binance Square rằng BONK có thể cán mốc 1 USD.

Tuy nhiên, theo quan điểm của CafeBit, mức giá như vậy hoàn toàn không khả thi, thậm chí có phần phi lý, ngay cả trong trường hợp đội ngũ phát triển dự án quyết định đốt 50% tổng cung token.

Việc đặt target quá cao, dễ khiến nhà đầu tư rơi vào "bẫy kỳ vọng" của cá mập và nhà tạo lập (MM), từ đó dẫn đến thua lỗ. Mọi người hãy đọc thật kỹ bài viết dưới đây của team CafeBit, để hiểu chiếc bẫy này được giăng ra như thế nào nhé!

Ví dụ về DogeCoin và 'bẫy kỳ vọng' ở 1 USD

Từng có rất nhiều trường hợp, giá đã tăng rất mạnh, nhưng đám đông vẫn lao vào mua bất chấp và bị đu đỉnh. Tình trạng này xảy ra khi kỳ vọng của đám đông bị đẩy lên cao quá mức, khiến họ không nhận thức được rủi ro trước mắt.

Giá đã tăng quá cao? => MM sẽ khiến đám đông tin rằng giá sẽ tăng cao hơn nữa! Dự án bị định giá cao? MM sẽ khiến định giá của dự án tăng cao hơn nữa!

Ví dụ kinh điển là trường hợp của memecoin DOGE hồi tháng 5/2021. Khi đó, giá DOGE đã đạt đỉnh ở 0,7 USD, tăng hàng trăm lần từ vùng đáy, vốn hóa dự án cũng đạt gần 100 tỷ USD, nguy cơ bong bóng sắp nổ là quá rõ ràng. Tuy nhiên, đám đông nhà đầu tư vẫn fomo, đưa khối lượng giao dịch 24h của DOGE lên mức ngang bằng GDP một quốc gia!

Cũng trong thời điểm này, các mặt báo và kênh cộng đồng bắt đầu xuất hiện phong trào "hold to die" DOGE, với câu slogan kinh điển “DOGE XỨNG ĐÁNG 1$”, hoặc “DOGE DƯỚI 1$ KO BÁN!”. Mọi người cùng động viên nhau HOLD chắc tay!

Nhìn rộng ra, làn sóng hold DOGE đến 1 USD bắt nguồn từ các KOLs, nhà phân tích, sau đó lan sang các trang thông tin, cuối cùng trở thành phong trào trong cộng đồng. Kết quả, MM thành công thiết lập “bẫy kỳ vọng”, ghim mức giá 1 USD vào đầu cộng đồng. Cũng ngay lúc đó, họ bắt đầu chốt lời, khiến giá DOGE giảm mạnh và mãi mãi không đạt tới mốc 1 USD.

Đến hiện tại, DOGE vẫn chưa đạt mốc kỳ vọng 1 USD.

Ví dụ về RACA và cái "bẫy kỳ vọng" list Binance

Cộng đồng đầu tư NFT và GameFi năm 2021 - 2022 không thể không biết tới RACA cùng tựa game Metamon. Token RACA giúp nhiều người trở thành tỷ phú, nhưng cũng khiến không ít nhà đầu tư trắng tay.

Trong trường hợp này, "bẫy kỳ vọng" đã được nhà tạo lập giăng ra theo một cách khác, không phải là giá hay vốn hóa, mà là một miếng bánh hấp dẫn hơn – “ĐƯỢC LIST BINANCE”.

Khi giá RACA đạt đỉnh 0,01 USD, cùng vốn hóa xấp xỉ 2 tỷ USD, cộng đồng bắt đầu vẽ ra kỳ vọng token này sẽ list sàn CEX top 1 thế giới. Từ đây, họ quyết tâm không bán chừng nào mục tiêu chưa được thực hiện. Kết quả, MM và các quỹ lớn tự do chốt lời, thanh khoản dồi dào từ retailer giúp họ bán được lượng lớn token ở mức giá cao.

Về phía RACA, dự án vẫn chưa list Binance dù 3 năm đã trôi qua!

Giá RACA giảm hàng trăm lần từ đỉnh và vẫn chưa được list Binance.

Tóm lại, để dẫn dắt thị trường, MM sẽ luôn tạo ra các “bẫy kỳ vọng”, khiến đám đông bị ám ảnh và đi theo hướng mà họ vạch sẵn.

Mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo niềm tin và sự hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư mua bán liên tục, từ đó tạo vùng giá có thanh khoản tốt để MM và các quỹ xả hàng! 

Làm thế nào để tránh các "bẫy kỳ vọng"?

Việc đầu tiên là nhà đầu tư phải tự đặt ra mục tiêu đầu tư cho mình, đừng để cuốn theo kỳ vọng của đám đông.

Ví dụ, nếu bắt đầu từ số vốn vài trăm USD, đầu tư để có tiền mua chiếc SH giá vài nghìn đô => Khi có đủ tiền mua xe, hãy lập tức chốt lời và rời bỏ thị trường.

Tiếp theo, mọi người nên xây dựng cho mình bộ nguyên tắc riêng để đầu tư, nhằm hạn chế việc bản thân có kỳ vọng quá cao. Ví dụ, nếu đặt mục tiêu altcoin đạt vốn hóa 1 tỷ USD sẽ bán, hoặc giá x5, x10 từ vùng đáy là bán, không chờ đợi cao hơn.

Cuối cùng, nhà đầu tư có thể chốt lời ở các vùng giá khác nhau, hoặc chốt 80% số lượng coin khi đến mức giá định trước. 20% số lượng token còn lại có thể thả trôi theo diễn biến thị trường. Cách làm này giúp tránh được tâm lý tiếc rẻ khi vừa bán giá lại tiếp tục tăng vượt kỳ vọng, sau đó fomo mua lần 2 dẫn đến đu đỉnh!