Binance, sàn giao dịch điện tử lớn nhất thế giới tính theo khối lượng giao dịch, đã phát hành hệ thống bằng chứng dự trữ (PoR) ngày 25/11, cho biết "là bước tiếp theo" trong cam kết minh bạch và thúc đẩy niềm tin vào hệ sinh thái.

Nhưng cũng chính từ đây Binance lại càng bị xoáy sâu hơn vào những FUD do thị trường tạo ra liên quan đến nguồn dự trữ sạch và âm mưu rửa tiền. Vậy sau những FUD này, người ta sẽ thấy một Binance đủ mạnh để thống trị thị trường hay chỉ là bức tường dễ bị lật đổ như FTX?

Binance công bố bằng chứng dự trữ PoR

Thông báo chính thức từ Binance cho biết sàn này sẽ cung cấp báo cáo bằng chứng dự trữ (PoR) do một bên kiểm toán bên ngoài thực hiện. Theo đó, việc khởi chạy hệ thống PoR ban đầu sẽ bắt đầu bằng bitcoin (BTC) và các mã thông báo cũng như các mạng khác sẽ được cập nhật sau đó.

"Khi chúng tôi nói bằng chứng dự trữ, chúng tôi đang đề cập cụ thể đến những tài sản mà chúng tôi đang giữ cho người dùng," Binance cho biết. "Điều này có nghĩa là chúng tôi đang đưa ra bằng chứng và bằng chứng rằng Binance có quỹ bao gồm tất cả tài sản người dùng của chúng tôi theo tỷ lệ 1:1, cũng như một số khoản dự trữ."

Trước đó, Binance đã cam kết cung cấp bằng chứng dự trữ thông qua việc sử dụng Merkle Trees - một cấu trúc dữ liệu được sử dụng để mã hóa dữ liệu chuỗi khối được hiệu quả và an toàn hơn. Cùng với đó, Binance cũng đã thông báo việc kiểm toán sẽ được hỗ trợ bởi Mazars - công ty kiểm toán toàn cầu.

Kết quả từ Mazars cho biết Binance nắm giữ đủ bitcoin và gói bitcoin để trang trải tất cả số dư của người dùng trên sàn giao dịch kể từ ngày 22 tháng 11 lúc 23:59 UTC. Cụ thể, báo cáo cho thấy các khoản nợ BTC của Binance (tiền gửi của khách hàng) được thế chấp 97% bằng tài sản trao đổi. Thế chấp tăng lên 101% khi tính BTC cho khách hàng vay.

Tài sàn và nợ phải trả của Binance công bố ngày 30/11/2022. Nguồn: PoR Binance

Những chỉ trích liên quan

Ngay sau khi được công bố, một số nhà phân tích đã chỉ trích báo cáo của Binance vì nó chỉ đề cập đến một phần nhỏ các hoạt động của Binance. Báo cáo không hiển thị tổng tài sản hoặc tổng nợ phải trả. Thay vào đó, phạm vi của nó chỉ giới hạn ở tài sản bitcoin và nợ bitcoin. 

Không những vậy, các kiểm toán viên không đưa ra được những tuyên bố nào về tính phù hợp của thủ tục theo thỏa thuận (AUP) và không đưa ra được ý kiến chuyên môn hoặc kết luận nào đảm bảo.

Không dừng lại ở đó, cộng đồng điện tử lại càng nghi ngờ hơn về khoản dự trữ của Binance khi sàn giao dịch liên tiếp để các khoản tiền chảy ra ngoài:

  •  Ngay sau khi PoR được công bố, 127.351 bitcoin hoặc hơn 2 tỷ USD đã được chuyển vào một ví không xác định ngày 28 tháng 11. Changpeng Zhao đã lý giải về việc chuyển tiền như một phần của cuộc kiểm toán PoR.
  • Ngày 13 tháng 12, chỉ trong vòng 24 giờ, gần 3 tỷ USD đã bị rút ra khỏi sàn trong bối cảnh gia tăng sự lo lắng của các nhà đầu tư về hậu quả FTX. Binance đã phải ngay lập tức việc rút tiền của khách hàng đối với USDC. 

Rõ ràng sự ra mắt PoR của Binance hứa hẹn tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của các giao dịch tưởng chừng như đã chấn an tâm lý nhà đầu tư nhưng lại nhận về những phản ứng hoàn toàn trái chiều. Đặc biệt, những nghi ngờ xoay quanh "dự trữ sạch" của Binance vẫn không hề lắng xuống.

CryptoQuant xác minh dự trữ sạch của Binance

Theo CryptoQuant, PoR của Binance có tầm quan trọng lớn đối với ngành công nghiệp tiền điện tử, vì cho đến nay, đây là sàn giao dịch lớn nhất tính theo khối lượng giao dịch và là một trong những sàn lớn nhất tính theo tiền gửi (dự trữ) của khách hàng.

Tổng dự trữ Bitcoin của các sàn theo tháng. Nguồn: CryptoQuant

CryptoQuant đã tiến hành so sánh dữ liệu người dùng với dữ liệu từ Binance để xác minh bằng chứng dự trữ hiện tại của Binance có đáng tin và liệu báo cáo có những hành vi "giống FTX"?

Tại thời điểm báo cáo PoR của Binance được thực hiện, ước tính của CryptoQuant về dự trữ BTC (nợ phải trả) của Binance là 591.939 BTC. Con số này so với số dư báo cáo trách nhiệm khách hàng trong PoR là 597.602 BTC. Như vậy, có thể thấy các khoản nợ do Binance báo cáo rất gần với ước tính 99%.

Khi phân tích nguồn dự trữ ngoại hối, CryptoQuant đã so sánh sự phát triển của dự trữ BTC, ETH và các stablecoin giữa Binance và FTX. Dữ liệu đã chỉ ra rằng:

  • Dự trữ của Binance tăng trưởng theo thời gian và ít dao động lên xuống hơn so với FTX.
  • FTX có nhiều dòng tiền vào/ra liên quan đến ví không phải FTX và dự trữ đã giảm đáng kể (93% trong trường hợp của stablecoin) vài ngày trước khi sụp đổ.
  • Dự trữ BTC của Binance vẫn tăng 4% kể từ khi FTX sụp đổ. Dự trữ cho ETH và Stablecoin lần lượt giảm 6% và 15%.

Do đó, CryptoQuant khẳng định dữ liệu trên chuỗi cho thấy dự trữ Ether của Binance và dự trữ stablecoin không hiển thị hành vi "giống như FTX" vào thời điểm hiện tại. Cuối cùng, CryptoQuant chỉ ra rằng Binance có "Dự trữ sạch" có thể chấp nhận được, có nghĩa là mã thông báo của riêng họ, BNB, vẫn chiếm một tỷ lệ thấp trong tổng tài sản của nó. 

Theo nhà cung cấp dữ liệu Nansen, khoảng 10% dự trữ của Binance được giữ trong mã thông báo của nó. Binance hiện đang nắm giữ 60,4 tỷ USD tổng tài sản trong các địa chỉ được tiết lộ công khai và 6,2 tỷ USD trong tổng số đó là BNB

Những phân tích được đưa ra từ CryptoQuant có thể coi là giúp Binance xoa dịu một phần tâm lý lo ngại của nhà đầu tư vào tình hình thị trường, đặc biệt khi những lùm xùm không mấy lạc quan vào PoR do Binance cung cấp. Tuy vậy, điều này sẽ chưa thực sự đủ nếu Binance im lặng mà không hành động.

Binance chiến đấu chống lại Fud

Vào ngày 22 tháng 12, Binance đã đăng tải một bài viết trên blog Trung Quốc nhằm giải quyết các FUD xoay quanh công ty. Bài đăng cũng đề cập tới nguồn dự trữ, làm sáng tỏ việc kiểm toán cũng như việc rút tiền ồ ạt trên sàn. 

Đối với việc tạm ngừng rút tiền USDC trên sàn, Binance giải thích việc này được thực hiện trong giai đoạn "hoán đổi mã thông báo, với việc sàn giao dịch hợp nhất dự trữ stablecoin của mình thành BUSD".

Tiếp đến, Binance khẳng định có đủ dự trữ để rút tiền. Sàn cũng xác nhận rằng "tất cả tài sản của người dùng trong Binance đều được hỗ trợ 1:1," và tình trạng tài chính của nó rất lành mạnh vì nó kiếm được nhiều lợi nhuận từ phí giao dịch.

Liên quan đến việc Mazars và các công ty kiểm toán "Big Four" từ chối làm việc với các công ty tiền điện tử, Binance nói rằng xác minh trên chuỗi được mã hóa là một lĩnh vực mới mà các công ty này có thể không có khả năng thực hiện. Và Mazars ngay lập tức sau đó đã xóa các báo cáo kiểm toán của Binance khỏi trang web của mình.

Bên cạnh đó, CEO của Binance Changpeng Zhao cũng đã chia sẻ trong một bài tweet của mình về các FUD liên quan đến Binance. Ông cho rằng các FUD liên quan đến Binance chủ yếu là các yếu tố từ bên ngoài - không phải do chính sàn giao dịch gây ra. 

CZ lưu ý rằng lý do đằng sau FUD một phần đến từ số ít trong cộng đồng tiền điện tử ghét sự tập trung hóa và một phần là từ công việc "trả tiền" để đưa tin của các phương tiện truyền thông mà không có bất cứ chứng cứ nào. Hơn nữa, ông cũng chỉ trích nhiều chính trị gia bảo thủ làm việc để bảo vệ các tổ chức tài chính truyền thống khỏi gián đoạn của tiền điện tử cũng làm lan truyền những thông tin sai lệch.

Sau những động thái làm sáng tỏ FUD của Binance, cộng đồng tiền điện tử vẫn rất lạc quan rằng Binance sẽ vượt qua được cơn bão và không chịu chung số phận với FTX. Nhiều người cũng nêu quan điểm rằng tính minh bạch của sàn không đơn giản chỉ ở một bản PoR mà nó đã thể hiện thông qua thời gian tồn tại của Binance đến thời điểm hiện tại và rằng nếu Binance có sụp đổ thì mọi thứ khác cũng sẽ sụp đổ.

Kết luận

Những nỗ lực của Binance đối với việc cung cấp một bằng chứng dự trữ minh bạch có lẽ vẫn là chưa đủ khi thị trường thiếu đi các tiêu chuẩn hóa xung quanh việc kiểm toán tiền điện tử cũng như các tiêu chuẩn để kết nối trực tiếp kiểm toán với báo cáo tiền điện tử. Và tất nhiên, PoR - một khái niệm để giúp các giao dịch trở nên minh bạch cũng không phải là một công cụ chữa bách bệnh. Điều này đồng nghĩa một PoR đầy đủ, minh bạch cũng không thể "dừng" những vụ sập FTX, Luna hay Quadriga.

 Nhưng dù vậy, với những thăng trầm mà thị trường tiền điện tử đã trải qua thì bằng chứng dự trữ sẽ trở thành công cụ tối quan trọng đại diện tạm thời cho tính minh bạch của thị trường. Và khi công cụ đó trở nên phổ biến và là một tiêu chuẩn thì việc các sàn từ chối hay không có khả năng thực hiện bằng chứng dự trữ cũng giống như ngón tay cái bị đau và cảnh báo người dùng rằng có điều gì đó không ổn đang xảy ra.

Đối với Binance, một công ty tư nhân, không nhất thiết phải lập báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Tuy nhiên, với nỗ lực giữ niềm tin của khách hàng thì việc khởi xướng cung cấp bằng chứng dự trữ PoR cũng được coi là bước đi đúng đắn của Binance. Tất yếu để điều này trở nên phổ biến hơn và thị trường có thể thoát khỏi hoàn toàn "thời kỳ đồ đá", thì vẫn cần sự hợp tác của các chính trị gia và cơ quan truyền thông.

Các quan điểm và ý kiến trên đây là sự tổng hợp từ góc nhìn của ban biên tập. Mọi động thái đầu tư đều có rủi ro, do đó, bạn nên tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư, đây không phải là một lời khuyên tài chính.