Thống kê cho thấy chính phủ Mỹ đang sở hữu khoảng 200.000 Bitcoin, tương đương 11,5 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại. Trong đó, một phần tư số tiền được thu giữ từ vụ án liên quan tới sàn giao dịch tai tiếng The Silk Road. Từ giữa 2023, Mỹ tuyên bố sẽ bán dần số Bitcoin trong kho và bắt đầu có nhiều động thái di chuyển số tiền vào tháng 4/2024, động thái này khiến cộng đồng đầu tư lo ngại sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng giảm giá của Bitcoin những tháng tới.

The Silk Road là gì và 50.000 Bitcoin đã bị Mỹ tịch thu thế nào?

“Các bạn có thể hiểu The Silk Road giống như một chợ đen nơi người dùng có thể mua bán tất cả các loại sản phẩm, thậm chí là những thứ nguy hiểm như vũ khí và chất cấm. Đặc biệt, khách hàng sẽ hoàn toàn ẩn danh và Bitcoin là loại tiền tệ phổ biến được dùng ở đây”, Jacob Kozhipatt, phóng viên kiêm người đầu tư tiền số nói với tờ Bitcoin Magazine.

Theo Jacob Kozhipatt, những khách hàng thân thuộc của The Silk road luôn suy nghĩ họ đang mở ra một thị trường tự do mới, qua đó, người mua và người bán tránh được sự nhòm ngó của các chính phủ cũng như ngân hàng lớn. Vậy nhưng, sự thực không hề tốt đẹp như những gì họ nói, tính ưu việt trong việc hỗ trợ giao dịch của mạng lưới Blockchain đã bị đội ngũ điều hành lợi dụng nhằm thực hiện hành vi phạm pháp.

Chất cấm được giao dịch bằng Bitcoin trên sàn The Silk Road.

Sàn The Silk Road, hay “Con đường tơ lụa” được tạo ra và phát triển bởi Ross Ulbricht. Dựa trên thông tin mô tả trên trang tuyển dụng LinkedIn, Ross Ulbricht luôn có tư tưởng muốn xây dựng một nền tảng giao dịch thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ. The Silk Road chính thức đi vào hoạt động trong năm 2011, thời điểm cộng đồng Bitcoin mới hình thành và đối thủ cạnh tranh trực tiếp là sàn Mt. Gox vẫn chưa ổn định, không lạ khi nó nhanh chóng thu hút lượng người dùng khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới.

“Điểm tích cực duy nhất của The Silk Road là nó ngăn cấm các văn hóa phẩm liên quan tới tệ nạn lạm dụng trẻ em và buôn bán vũ khí phóng xạ. Ngoài ra, bạn có thể mua chất kích thích, súng đạn hay thuê sát thủ tại nền tảng này”.

“Một khía cạnh khác khiến The Silk Road hấp dẫn khách hàng đó là tính chuyên nghiệp. Dù ra đời rất sớm, nhưng đội ngũ điều hành biết cách hoàn thiện sản phẩm của mình. Họ áp dụng các phương pháp đã giúp sàn thương mại điện tử truyền thống như Ebay hay Amazon gặt hái thành công. Tiêu biểu phải kể đến tính năng trình bày hàng hóa một cách rõ ràng, người dùng sau khi mua có thể cung cấp phản hồi về trải nghiệm bản thân”, Jacob Kozhipatt nói.

Nhiều người dùng cho rằng The Silk Road là ví dụ chứng minh sự hiệu quả của tiền điện tử, tuy nhiên, những cá nhân ủng hộ Bitcoin khác lại tỏ ra phẫn nộ vì công nghệ Blockchain bị lợi dụng để làm việc xấu.

“Họ không hề nhận ra ma túy và chất kích thích có hại đến thế nào. Những thứ như The Silk Road không nên tồn tại”, Thượng nghị sĩ New York Chuck Shumer chia sẻ.

Vào tháng 10 năm 2013, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở chiến dịch nhằm tận diệt The Silk Road. Sàn giao dịch này sau đó bị xóa sổ sau hơn 2 năm tồn tại. Đến lúc đó, The Silk Road đã có hơn 100.000 khách hàng toàn cầu. Đồng thời, khối lượng giao dịch mỗi ngày cũng lên tới hàng chục triệu USD cùng hàng nghìn lệnh mua bán khác nhau. Nhà sáng lập Ross Ulbricht bị kết án với 7 tội danh khác nhau. Cuối cùng, ông phải nhận bản án chung thân và không có lựa chọn ân xá.

Những người phản đối việc chính phủ Mỹ bắt giữ Ross Ulbricht - nhà sáng lập The Silk Road.

Kết thúc chiến dịch, Mỹ tịch thu khoảng 50.000 Bitcoin từ The Silk Road và phải 10 năm sau, tức giữa 2023, số tiền này mới được lên kế hoạch để thanh lý.

Mỹ đã và sẽ làm gì với số Bitcoin từ The Silk Road?

Theo tỷ giá hiện tại, 50.000 BTC có giá gần 3 tỷ USD. Cuối 2022, chính phủ Mỹ lần đầu xác nhận sự tồn tại của lượng tiền điện tử này và có hành động bán công khai đầu tiên vào 3/2023, với 9.861 BTC, giá trị khoảng 216 triệu USD.

Sau đó, 2.000 BTC được chuyển tới ví điện tử thuộc sàn Coinbase và đã được Arkham Intelligence gắn thẻ. Đồng thời, chính phủ Mỹ cho biết sẽ thanh lý dần lượng tiền trong cả năm 2023, nhưng không công khai chi tiết lộ trình.

Đến 2/4/2024, một ví gắn thẻ “thuộc về chính phủ Mỹ” bất ngờ có động thái di chuyển 30.175 BTC (tương đương 1,8 tỷ USD) tịch thu từ sàn The Silk Road. Theo giới phân tích, có thể Mỹ đã bán thành công 20.000 BTC ở vùng giá từ 30.000 đến 70.000 USD và đang chờ bán nốt phần còn lại ở thời điểm thích hợp.