Trong hồ sơ gửi lên tòa án cuối tuần trước, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã kiến nghị mức tiền bồi thường khổng lồ và hình phạt dân sự đối với Do Kwon, nhà sáng lập đồng tiền điện tử LUNA.
Cụ thể, Do Kwon và đội ngũ Terraform Labs có thể phải trả 4,7 tỷ USD, kèm theo 520 triệu USD tiền phạt dân sự (420 triệu USD của công ty Terraform Labs và 100 triệu USD của cá nhân Do Kwon). Cùng ngày, tòa án cũng nhận bản tóm tắt phương án bồi thường thiệt hại từ bị cáo, trong đó Terraform Labs chỉ đề xuất mức phạt tối đa 3,5 triệu USD, Kwon đề xuất 800.000 USD, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của SEC.
Bên cạnh phán quyết về tiền bồi thường, SEC còn đề xuất Kwon công khai thông tin về tài khoản cũng như toàn bộ tài sản, đồng thời không được làm nhân viên hoặc giám đốc của các công ty phát hành chứng khoán. Về phía Terraform Labs, công ty phải tuân thủ các lệnh nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo có thể xảy ra trong tương lai.
“Các bị cáo không hối hận về hành động của mình. Tòa án nên gửi thông điệp để cảnh báo họ về các vi phạm trắng trợn, cũng như các nỗ lực sai lầm nhằm bao che cho bản thân. Do Kwon và Terraform Labs còn có hành vi thúc đẩy các quy tắc, tiêu chuẩn không phù hợp, khiến thị trường tiền điện tử hoạt động trái với luật chứng khoán liên bang”, hồ sơ của SEC có đoạn.
Trong phiên tòa hôm 5/4, bồi thẩm đoàn cho rằng Do Kwon và công ty phải chịu trách nhiệm khi lừa gạt nhà đầu tư bằng các tuyên bố sai lầm trong quá trình chào bán stablecoin UST, đồng LUNA và wLUNA. Về phía Terraform Labs, công ty cho biết đang cân nhắc cẩn thận các lựa chọn nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên và tuân thủ quy định pháp luật.
Các phiên xét xử trong tháng qua không có sự góp mặt của Do Kwon. Hiện nhà sáng lập đồng LUNA đang chật vật với hàng loạt thủ tục tố tụng tại Montenegro và chưa rõ sẽ bị dẫn độ về Mỹ hay Hàn Quốc. Trước đó, Kwon bị bắt tại sân bay vì cáo buộc sử dụng giấy tờ giả để di chuyển tới Dubai.
Do Kwon được cho là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ khủng hoảng LUNA vào tháng 5/2022, khiến hơn 40 tỷ USD của cộng đồng đầu tư tiền điện tử bốc hơi. Ngay sau đó, Kwon rời Seoul để đến Singapore với lý do bảo vệ an toàn cho gia đình trước những nhà đầu tư quá khích. Tuy nhiên, doanh nhân gốc Hàn Quốc nhanh chóng mất tích và lẩn trốn sự điều tra của cơ quan chức năng trong hơn 1 năm, trước khi bị bắt tại Montenegro. Đáng nói, trong suốt quá trình này, Kwon vẫn thường xuyên thực hiện các buổi livestream, phớt lờ yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cộng đồng và đổ trách nhiệm lên những cá nhân khác, ví dụ cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried.