Khi đang nghe thời sự và các bản tin kinh tế chắc chắn bạn sẽ thường xuyên thấy người dẫn chương trình nói về GDP. Vậy GDP là gì, chỉ số GDP có ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế thì chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn trong bài viết dưới đây nhé.

GDP là gì?

GDP là viết tắt của từ Gross Domestic Product trong tiếng Anh, còn trong tiếng Việt được dịch ra là Tổng sản phẩm quốc nội. GDP có thể được hiểu là tổng giá trị của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra tại một quốc gia trong thời gian nhất định.

GDP còn có thể được gọi là Tổng sản phẩm nội địa, thường được tính theo quý, theo năm hoặc 6 tháng, 9 tháng. Ngoài GDP thì chỉ số GDP bình quân đầu người cũng được đánh giá là một chỉ số quan trọng nhằm đánh giá chất lượng sống của người dân trong một quốc gia.

GDP
GDP

GDP bình quân đầu người là gì?

GDP bình quân đầu người trong tiếng Anh là GDP Per Capita, là tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người, nghĩa là lấy giá trị GDP tính được chia cho tổng dân số trong cùng một thời gian.

GDP bình quân đầu người cho thấy giá trị sản xuất kinh tế có thể được quy cho mỗi công dân, chỉ số này càng cao càng cho thấy quốc gia đó giàu có, chất lượng cuộc sống của người dân cũng như thu nhập càng cao.

Đơn vị GDP bình quân đầu người được tính theo đơn vị tiền tệ.

Những đặc điểm của chỉ số GDP

  1. GDP chỉ tính toán dựa vào giá trị của các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng, không tính các giao dịch trung gian. Ví dụ: thực phẩm, quần áo, xe cộ, dịch vụ cắt tóc, thẩm mỹ được coi là hàng hoá và dịch vụ cuối cùng.
  2. GDP được tính cho một phạm vi lãnh thổ nhất định, thường là một quốc gia hoặc các vùng địa lý thuộc một quốc gia.
  3. GDP là chỉ tiêu đo lường tổng giá trị thị trường, đại diện cho số tiền mà người tiêu dùng phải chi trả cho các loại hàng hoá và dịch vụ khác nhau.
  4. GDP chỉ tính các hàng hoá và dịch vụ được sản xuất trong thời gian hiện tại, không tính các hàng hoá và dịch vụ trong quá khứ.
  5. GDP tăng hoặc giảm có ảnh hưởng đến nền kinh tế của một quốc gia, nó là chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của quốc gia đó.
  6. GDP thường được tính theo quý (3 tháng), theo năm (12 tháng), và đôi khi cũng được tính theo khoảng thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.

Các yếu tố ảnh hưởng tới GDP

Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng tới GDP của một quốc gia đó là:

  1. Dân số: Dân số là yếu tố quan trọng đối với GDP vì người dân không chỉ là nguồn lao động tạo ra sản phẩm và dịch vụ, mà còn là những người tiêu dùng. Nếu dân số tăng, có nhiều lao động và tiềm năng tiêu thụ, thì GDP có thể tăng lên. Tuy nhiên, quá nhiều dân số mà không đồng bộ với nguồn lực và cơ sở hạ tầng có thể gây áp lực lên nền kinh tế.
  2. Lạm phát/giảm phát: Mức lạm phát hoặc giảm phát cũng ảnh hưởng đáng kể đến GDP. Lạm phát, tăng giá cả, có thể làm tăng giá trị GDP vì giá trị sản phẩm và dịch vụ được định giá cao hơn. Tuy nhiên, lạm phát không kiểm soát được có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm giảm sự ổn định của nền kinh tế. Trái lại, giảm phát có thể dẫn đến giảm giá và sự suy thoái kinh tế.
  3. FDI: Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến GDP của một quốc gia. Khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy, mua máy móc và nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất hàng hóa và dịch vụ, nó có thể tạo ra công việc cho người dân và đóng góp vào GDP của quốc gia. Ngoài ra, FDI còn mang lại công nghệ, quản lý chuyên môn và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.

Phân loại GDP

GDP danh nghĩa

GDP danh nghĩa là một chỉ tiêu phản ánh tổng sản phẩm quốc nội GDP và được tính theo giá cả thị trường.

GDP danh nghĩa là chỉ tiêu thể hiện sự thay đổi giá do lạm phát hay tốc độ tăng giá của nền kinh tế. Nếu tất cả mức giá đều có xu hướng tăng hoặc giảm thì GDP danh nghĩa sẽ lớn hơn.

GDP thực tế

GDP thực tế (Real Gross Domestic Product) là tổng giá trị của tất cả hàng hoá và dịch vụ sau cùng sản xuất ra theo giá của một năm gốc. GDP thực tế là thước đo tổng sản phẩm quốc nội đã điều chỉnh lạm phát hoặc giảm phát.

Công thức tính:

GDP thực tế = GDP danh nghĩa / Hệ số điều chỉnh GDP

GDP xanh

GDP xanh là một khái niệm mới và chưa được định nghĩa chính thức. Có thể hiểu GDP xanh là phần GDP còn lại sau khi đã khấu trừ các chi phí cần thiết để phục hồi môi trường do quá trình sản xuất gây ra.

Công thức tính chỉ số GDP

Hiện nay có 03 cách tính GDP thông dụng nhất được áp dụng. Tuy nhiên, dù tính theo cách nào thì kết quả cũng như nhau.

Phương pháp sản xuất

Xét về góc độ sản xuất, tổng sản phẩm quốc nội chính là tổng tất cả giá trị gia tăng của nền kinh tế một nước trong một thời gian nhất định.

GDP = Giá trị tăng thêm + Thuế nhập khẩu

Hoặc 

GDP = Giá trị sản xuất – phí trung gian + thuế nhập khẩu

Giá trị tăng thêm: thu nhập của người sản xuất, tiền công, bảo hiểm, khấu hao tài sản cố định,…

Thuế nhập khẩu là vùng lãnh thổ/quốc gia quy định tính vào các hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài về. 

Trong đó, giá trị tăng thêm của từng ngành kinh tế có thể là thu nhập của người sản xuất, tiền công, bảo hiểm, khấu hao tài sản cố định, thuế sản xuất, giá trị thặng dư…

Phương pháp sử dụng cuối cùng

Xét về góc độ sử dụng hay chi tiêu, GDP bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của chính phủ, tích lũy tài sản và chênh lệch xuất – nhập khẩu của một đất nước.

GDP = C + I + G + NX

Trong đó:

  • C: Tổng giá trị tiêu dùng cho sản phẩm và dịch vụ của các hộ gia đình trong quốc gia đó
  • I: Tổng giá trị tiêu dùng của các nhà đầu tư
  • G: Tổng giá trị chi tiêu của chính phủ
  • NX: là cân bằng thương mại: xuất khẩu ròng của kinh tế. X: xuất khẩu – N: nhập khẩu.

Phương pháp thu nhập

Xét về góc độ thu nhập, GDP gồm thu nhập của người lao động, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ của một đất nước.

GDP = W + R + I + Pr + Ti + De

Trong đó:

  • W: Tiền lương
  • R: Tiền thuê
  • I: Tiền lãi
  • Pr: Lợi nhuận
  • Ti: Các khoản thuế dịch vụ, hàng hóa bán trên thị trường và trợ cấp của chính phủ cho sản xuất (thuế gián thu ròng).
  • De: Khấu hao tài sản cố định

Ý nghĩa của chỉ số GDP

Đối với một quốc gia, chỉ số GDP có ý nghĩa rất lớn. Theo đó:

  • GDP là thước đo để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia và thể hiện sự biến động của sản phẩm/dịch vụ theo thời gian.
  • Sự suy giảm chỉ số GDP sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế và có thể dẫn đến các tình trạng kinh tế suy thoái, lạm phát, thất nghiệp, đồng tiền mất giá… Đây là các tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân.
  • Chỉ số GDP bình quân đầu người sẽ cho bạn biết mức thu nhập tương đối cũng như chất lượng sống của người dân ở mỗi quốc gia.

Chỉ số GDP ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế quốc gia?

GDP là thước đo đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia vào một thời điểm nhất định. Đồng thời, thể hiện và phản ánh rõ ràng sự biến động của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian.

Chỉ số GDP giảm có thể dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp, tiền mất giá… Những ảnh hưởng tiêu cực này sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân.

Ngoài ra, GDP còn là yếu tố giúp các các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá về tiềm năng phát triển của một quốc gia, từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.

Dựa vào chỉ số GDP, Chính phủ mỗi quốc gia ban hành các chính sách tiền tệ phù hợp với nền kinh tế.

Kết luận

Hy vọng những kiến thức về GDP mà chúng tôi đã cung cấp trong bài viết đã đem lại những kiến thức bổ ích cho bạn.

GDP là một chỉ số quan trọng để đánh giá nền kinh tế của một nước có đang phát triển hay không, giúp bạn hiểu và phân tích được những biến động của thị trường. Chúc các bạn đầu tư luôn thành công nhé.