Một luật mới của Mỹ trao cho tổng thống quyền hạn chưa từng có để chặn quyền truy cập vào tài sản kỹ thuật số, gây ra nhiều lo ngại đối với giới đầu tư tại nước này.
Scott Johnsson, một nhân vật có tiếng nói trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số, đã chỉ trích luật này vì phạm vi ảnh hưởng của nó trong một bài đăng hôm 6/6:
"Luật này cho phép tổng thống can thiệp vào bất kỳ giao thức, hợp đồng thông minh (smartcontract) nào đã được Bộ trưởng Tài chính gắn mác "bị kiểm soát bởi doanh nghiệp nước ngoài". Phạm vi và tác động của nó thực sự đáng kinh ngạc, có thể kiểm soát việc người dùng tham gia các nền tảng yêu cầu KYC".
Giới phân tích đánh giá định nghĩa về "tài sản kỹ thuật số" trong luật mới cũng có quy mô rộng hơn, gồm bất kỳ tài sản nào có giá trị được ghi lại trên blockchain và được bảo vệ bằng mật mã. Đồng thời, việc chèn các chi tiết này vào luật được cho là do Thượng nghị sĩ Mark Warner âm thầm thực hiện nhiều tháng trước đó.
Tóm lại, hiện tổng thống Mỹ sẽ được quyền chặn giao dịch giữa công dân Mỹ và các thực thể nước ngoài được xác định đã tham gia vào hành vi phạm pháp, ví dụ tài trợ khủng bố. Đây là quyền hạn chưa từng có tiền lệ kể từ khi Bitcoin ra đời năm 2008.
Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia luật ửng hộ crypto cho rằng cơ quan chức năng chỉ đang cố gắng kiểm soát thị trường tiền điện tử bằng quyền hạn vay mượn từ Đạo luật Phòng chống Tài trợ Khủng bố. Đạo luật này được giới thiệu trong một thông báo vào tháng 12/2023, cho phép Bộ Tài chính Mỹ đối phó với "các mối lo ngại mới nổi liên quan tới crypto và khủng bố".
Luật mới sẽ đặc biệt ảnh hưởng tới những cá nhân giao dịch trên nền tảng yêu cầu KYC, bao gồm các sàn CEX top đầu. Trong tương lai, người dùng sẽ bị giới hạn hoạt động trên blockchain, chỉ được sử dụng những mạng lưới được dán nhãn "an toàn" theo tiêu chuẩn của Bộ Tài chính.