Gần đây, XRP, ADA và một loạt các altcoin phổ biến khác vào danh sách "Zombie Tokens" bởi Forbes. Sự kiện này đã làm dậy sóng cộng đồng tiền điện tử và đã là chủ đề bàn tán của nhiều nhà đầu tư.

Theo bài viết, có khoảng 20 loại tiền điện tử thuộc nhóm này, được gọi là “Zombie Tokens” do thiếu tiện ích thực tế hoặc sự chấp nhận của người dùng nhưng vẫn duy trì được mức định giá thị trường cao.

Trong số những token này có thể kể đến một số tên tuổi lớn như Ripple (XRP), Cardano (ADA), Litecoin (LTC), Bitcoin Cash (BCH), và Ethereum Classic (ETC).

“Zombie Tokens” là gì?

Thuật ngữ "Zombie Tokens" được sử dụng để mô tả các dự án blockchain tồn tại nhưng lại không thể hiện được tiện ích thực tế hay có lượng người dùng quá đáng kể.

Tuy nhiên, những token này vẫn duy trì sự tồn tại của mình và thậm chí còn có mức tăng trưởng “khó hiểu” qua thời gian. Phần lớn nguyên nhân cho việc tăng giá “phi lý” này đến từ các hoạt động giao dịch đầu cơ cũng như các khoản vốn lớn đã huy động được từ các đợt ICO hay IDO trước đây.

Tuy nhiên, mặc dù có giá trị vốn hóa cao và nguồn vốn dồi dào, đóng góp thực sự của những token này vào đời sống thực tiễn lại không mấy ấn tượng.

Một số ví dụ điển hình

XRP

Ripple, với token đại diện là XRP của mình, ban đầu được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với hệ thống ngân hàng SWIFT bằng cách cung cấp giải pháp chuyển khoản quốc tế nhanh chóng và chi phí thấp.

Tuy nhiên, dự án này đã gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với SWIFT và hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các giao dịch đầu cơ để duy trì giá trị vốn hóa cao. Các nhà phân tích nhận xét rằng, mặc dù phần lớn token XRP không có ích, nhưng họ vẫn không hiểu sao XRP vẫn có giá trị thị trường lên đến 36 tỷ USD, khiến đồng token trở thành loại tiền điện tử đứng thứ 6 về giá trị trên thị trường.

Đối với Ripple, ngoài khó khăn trong việc cạnh tranh với SWIFT, dự án còn gặp thách thức từ các dự án stablecoin khác như Tether hay Circle trong việc chuyển tiền xuyên biên giới.

ADA

Bên cạnh đó, vẫn có một số “zombie token” vẫn duy trì được cộng đồng phần lớn nhờ tầm ảnh hưởng và uy tín của người sáng lập. Điển hình là Cardano (ADA) với người sáng lập là Charles Hoskinson.

Được ra mắt vào năm 2017, Cardano lúc đó người nhiều người quan tâm bởi dự án này được phát triển sau khi người đồng sáng lập, Charles Hoskinson, có mâu thuẫn với Vitalik Buterin (founder của Ethereum).

Dự án này sau đó đã gặp nhiều tin tức bất lợi liên quan tới việc thiếu minh bạch trong quá trình thu chi và trách nhiệm giải trình tài chính - một điều khá thường thấy trong các dự án crypto khi mà nguồn vốn đầu tư không được liệt kê quá rành mạch và rõ ràng như trong thị trường chứng khoán.

Nhóm “Hark Fork”

Theo bài viết mới đây của Forbes, nhóm "hard fork" bao gồm các loại token như Litecoin, Bitcoin Cash, Bitcoin SV và Ethereum Classic có giá trị thị trường trên 1 tỷ USD, nhưng lại không thực sự được sử dụng phổ biến. Các token này chủ yếu được nhà đầu tư quan tâm với mục đích đầu cơ, chứ không phải vì các ứng dụng thực tiễn.

Các token này ra đời từ những mâu thuẫn trong cộng đồng phát triển và tồn tại chủ yếu nhờ vào giá trị lịch sử và câu chuyện đằng sau chúng, thay vì những ứng dụng thực tế như chuyển tiền hoặc thanh toán.

Nhóm “Ethereum Killer”

Những người tham gia thị trường tiền điện tử từ năm 2018 chắc hẳn đã quen thuộc với những đồng token được gọi là “Ethereum killer”, bao gồm Cardano (ADA), Tezos (XTZ) và Algorand (ALGO),...

Dù các dự án này vẫn tiếp tục phát triển và tồn tại đến ngày nay, có vẻ như sự kỳ vọng của cộng đồng crypto về khả năng các dự án này sẽ vượt mặt Ethereum và trở thành nền tảng hợp đồng thông minh hàng đầu đã không còn.

Sau những thời điểm đỉnh điểm như các năm 2018 hoặc 2021, các token này vẫn chưa thể được áp dụng hoặc sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng phi tập trung.

Mặc dù các token này cung cấp khả năng xử lý giao dịch nhanh hơn và chi phí thấp hơn so với Ethereum, tuy nhiên, các dự án này vẫn đang gặp khó khăn trong việc tận dụng những ưu điểm này để thu hút sự chấp nhận rộng rãi từ cả nhà phát triển và người dùng.

Nguyên nhân của đánh giá này

Thiếu Đổi Mới và Phát Triển

Một trong những lý do chính có thể đến từ việc thiếu sự đổi mới và phát triển từ các dự án này. 

Trong khi nhiều dự án tiền điện tử khác liên tục cập nhật và cải tiến công nghệ của họ để đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường. Phần lớn dự án crypto đã không có nhiều update quan trọng để giúp dự án phát triển hơn hoặc đi theo đúng roadmap ban đầu đã đề ra

Mức định giá quá cao so với giá trị thực

Nhiều dự án khi ICO đã huy động được con số hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đô từ công đồng đã khiến mức định giá FDV của các dự án trở nên quá cao so với giá trị thực. 

Bên cạnh đó việc các quỹ đầu tư từ các vòng trước đó như private hay seed round đã có được mức ROI hàng trăm hoặc hàng nghìn lần chốt lời để tối ưu hoá lợi nhuận cũng khiến những dự án này khó có thể phát triển về lâu về dài.

Những lo ngại về tính thanh khoản và sự quan tâm giảm sút từ phía nhà đầu tư cũng khiến những đồng token này không thể giữ được chỗ đứng của mình quá lâu trong thị trường. Và một khi các đồng token không còn thu hút được sự chú ý từ đầu tư có thể dần trở nên lỗi thời và ít được sử dụng.

Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Sự xuất hiện của các dự án mới với công nghệ tiên tiến hơn và các tính năng đột phá đã tạo áp lực lớn lên những altcoin đã có từ lâu như XRP và ADA. Chẳng hạn, chỉ trong 2 năm 2023 và 2024 đã có rất nhiều công nghệ mới được phát triển và giành được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư như công nghệ Optimism Rollup, ZK Rollup hay Ordinals.

Sự cạnh tranh này không chỉ giới hạn trong phát triển công nghệ mà còn trong việc thu hút người dùng và nhà đầu tư.

Một số altcoin có thể không còn phù hợp với yêu cầu hoặc xu hướng của thị trường hiện tại. Thiếu sự linh hoạt để thích ứng với những thay đổi này có thể làm cho những đồng token này trở nên kém hấp dẫn so với các lựa chọn khác trên thị trường.

Môi trường pháp lý không rõ ràng

Môi trường pháp lý và quy định về thị trường crypto vẫn còn nhiều dấu hỏi trong mắt của các cơ quan chính phủ. Nhiều dự án mặc dù mới chỉ phát triển đã bị dán nhãn là “chứng khoán” và không thể tiếp tục phát triển dự án, tiêu biểu như dự án Diem của Facebook. 

Đặc biệt đối với XRP, các vấn đề pháp lý liên tục với Cục Dịch vụ Tài chính Hoa Kỳ (SEC) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và sự tin cậy của token trong mắt của những người đầu tư.

Vụ kiện này đã khiến Ripple phải chi hàng trăm triệu đô chi phí kiện tụng, từ đó khiến công ty không thể dành sự quan tâm của mình trong việc phát triển và xây dựng sản phẩm của mình.

Tổng kết

Việc bị gán nhãn là "Zombie Tokens" không chỉ là một cảnh báo cho các dự án này để nỗ lực cải tiến và thích ứng nếu muốn tồn tại và phát triển trong thị trường đầy biến động của thị trường crypto.

Với góc nhìn của nhà đầu tư, đây là lúc bạn cần xem xét kỹ lưỡng các tài sản tiền điện tử của mình và không nên quá mù quáng tin tưởng vào bất kỳ dự án nào bởi thực tế đã chứng minh là hơn 95% token không thể tồn tại qua các chu kỳ thị trường.