Bất kỳ khoản đầu tư nào cũng sẽ luôn tồn tại một số rủi ro nhất định. Và khi nhắc đến rủi ro trong đầu tư thì không thể bỏ qua mô hình Ponzi, ở mô hình này tỉ lệ rủi ro thường sẽ cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận kỳ vọng. Vậy mô hình Ponzi là gì? Hãy cùng mình tìm hiểu về mô hình này thông qua bài viết dưới đây nhé.

Ponzi là gì?

Ponzi hay còn được gọi là Ponzi Scheme (mô hình Ponzi) đây là hình thức lừa đảo thu hút nhà đầu tư tham gia góp vốn với mức lợi nhuận cao. Trong đó họ dùng tiền của nhà đầu tư mới làm nguồn tiền để trả lãi cho các nhà đầu tư tham gia sớm hơn.

Đặc biệt là khi tham gia đầu tư vào mô hình này các nhà đầu tư sẽ hoàn toàn không biết được tiền của mình lại là nguồn tiền tiền để chủ dự án trả lãi cho các nhà đầu tư khác. Vòng tuần hoàn này cứ lập đi lập lại cho đến khi dự án không còn khả năng duy trì được nữa thì nó sẽ sụp đổ và số tiền của các nhà đầu tư cũng sẽ biến mất đó được gọi là mô hình Ponzi.

Nguồn gốc ra đời của mô hình Ponzi

Mô hình Ponzi được đặt theo tên của Charles Ponzi hay còn được gọi là Carlo Ponzi, một kẻ lừa đảo người Ý sinh sống tại Bắc Mỹ. Charles Ponzi đã sử dụng mô hình lừa đảo này và kiếm được rất nhiều tiền, trở nên nổi tiếng tại Mỹ. Bằng cách sử dụng những chiêu trò tinh vi, Ponzi đã thu được một số tiền lớn từ những nhà đầu tư thiếu hiểu biết và dễ bị lừa.

Charles Ponzi
Charles Ponzi

Ban đầu, Ponzi kiếm lời dựa trên sự chênh lệch giá của tem thư, sau đó, ông thành lập công ty giao dịch chứng khoán (Securities Exchange Company) và kêu gọi đầu tư. Ông hứa rằng chỉ trong vòng 45 ngày, lợi nhuận sẽ tăng đến 50%, thậm chí có thể lên đến 100% trong vòng 90 ngày. Lời mời hấp dẫn này đã khiến rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng và tham gia.

Tuy nhiên, Ponzi đã sử dụng tiền góp vốn từ các nhà đầu tư mới để trả lãi cho những nhà đầu tư trước đó và tự mình. Mô hình này tiếp tục tồn tại cho đến năm 1920, khi sụp đổ do nguồn tiền không đủ để hoàn trả lãi cho nhà đầu tư.

Mô hình Ponzi đã trở thành một thuật ngữ để miêu tả các hình thức lừa đảo tương tự, trong đó người lừa đảo hứa mức lợi nhuận cao nhưng thực tế chỉ sử dụng tiền của những nhà đầu tư mới để trả lãi cho những người đã tham gia trước đó. Mô hình này đã trở thành một ví dụ điển hình về lừa đảo tài chính và những rủi ro liên quan đến việc đầu tư không kiểm soát.

Các thành viên của mô hình đa cấp Ponzi

Mô hình Ponzi sẽ có các thành viên với nhiều chức năng cụ thể:

  • Schemer: Kẻ chủ mưu thiết lập hệ thống và kêu gọi nhà đầu tư góp vốn. Họ xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân là doanh nhân thành đạt, có kỹ năng ăn nói tốt, thuyết phục người nghe.
  • Investor: Những “chú gà” được chính các Schemer “chăn dắt”. Họ sẵn sàng bỏ tiền tỷ tham gia vào hệ thống với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn từ những khoản lãi suất cao ngất ngưởng. Đặc biệt, họ sẽ không cần phải làm gì cả mà chỉ cần nhận hoa hồng từ người đến sau.
  • Ponzi Introducing Investor: Họ là những người chỉ bỏ ra ít tiền hoặc không bỏ ra đồng nào khi tham gia vào mô hình. Cách thức hoạt động của đối tượng này là kiếm lợi nhuận từ việc giới thiệu thật nhiều người đầu tư gia nhập. Và chính các “Schemer” sẽ trả tiền cho người giới thiệu, khoản tiền đó được lấy từ các Investor mà họ đang “chăn dắt”.

Cách hoạt động của mô hình Ponzi

Cách hoạt động của mô hình Ponzi
Cách hoạt động của mô hình Ponzi

Trước tiên, trong mô hình này, người chủ dự án sẽ thuê một người để tạo ra quảng cáo hấp dẫn và kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Người đầu tiên tham gia sẽ phải đóng một khoản tiền như là vốn đầu tư ban đầu, ví dụ như $2000. Chủ dự án hứa sẽ trả lại toàn bộ số vốn đầu tư ban đầu và đưa ra lợi nhuận khoảng 10% sau mỗi chu kỳ (thường kéo dài 3 tháng).

Giả sử trong vòng 3 tháng, nhà đầu tư thứ nhất kêu gọi thêm 2 người tham gia đầu tư. Cả hai nhà đầu tư mới này cũng phải đóng số tiền tương tự như nhà đầu tư thứ nhất. Khoảng $2200 từ số tiền $4000 mới thu được từ 2 nhà đầu tư mới sẽ được sử dụng để trả lại cả gốc và lãi cho nhà đầu tư thứ nhất. Nhà đầu tư thứ nhất có thể bị hấp dẫn bởi số tiền mà họ nhận được và do lòng tham, có thể quay lại và tái đầu tư.

Với cách lấy tiền của nhà đầu tư mới để trả cho nhà đầu tư cũ, các dự án theo mô hình Ponzi này có khả năng trả lãi cho những nhà đầu tư sớm hơn, thông qua quảng cáo và lợi nhuận hấp dẫn. Họ sẽ sử dụng hình ảnh của những nhà đầu tư đã được hoàn trả cả gốc và lãi để quảng bá cho dự án, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia.

Để duy trì và phát triển dự án, họ cần tìm thêm nhiều nhà đầu tư mới bằng cách trả hoa hồng hấp dẫn cho người giới thiệu. Nhưng cách hoạt động này không thể tồn tại lâu dài, vì lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Cuối cùng, dự án có thể sụp đổ khi người đứng đầu hoặc chủ dự án biến mất với số tiền của nhà đầu tư.

Một số trường hợp lừa đảo nổi tiếng sử dụng mô hình Ponzi bao gồm Charles Ponzi với 20 triệu USD, William Miller với 1 triệu USD, Onecoin với 5 tỷ USD, Bitconnect với 3.5 tỷ USD và Plus Token với 3 tỷ USD.

Đặc điểm nhận biết mô hình Ponzi

  • Lời mời chào hấp dẫn: Mô hình Ponzi thu hút nhà đầu tư bằng cách đánh vào lòng tham với mức lợi nhuận cao và không có rủi ro. Những lời mời chào này thường rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư mới, nhưng thực chất lại là một cách để chiêu dụ họ.
  • Thiếu kiến thức và hiểu biết: Những nhà đầu tư tham gia vào mô hình Ponzi thường thiếu kiến thức về dự án hoặc sản phẩm mà họ đầu tư. Họ dựa vào lời mời gọi của người khác mà không có hiểu biết sâu về cơ chế hoạt động của mô hình này.
  • Lãi suất không thay đổi: Ban đầu, nhà đầu tư có thể nhận được lãi suất đúng hẹn và không bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường. Điều này tạo ra sự bất thường vì không có dự án nào có thể cam kết lợi nhuận cao như vậy trong thực tế. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn tiếp tục tham gia vì lòng tham của họ.
  • Thiếu thông tin rõ ràng: Nhà đầu tư thường không biết rõ về sản phẩm hoặc dự án mà họ đầu tư do thông tin được đưa ra mơ hồ và không rõ ràng. Những giải thích phức tạp và dài dòng thường được sử dụng để đánh lừa nhà đầu tư.
  • Phụ thuộc vào sự đổ tiền mới: Mô hình Ponzi luôn cần một lượng tiền đổ vào liên tục để tồn tại. Vì vậy, các tổ chức thường tạo ra mức hoa hồng hấp dẫn cho người giới thiệu, thường là vài chục phần trăm, để thúc đẩy người ta mời gọi thêm nhà đầu tư khác.
  • Khó khăn khi rút vốn: Một số nhà đầu tư khi phát hiện mình bị lừa không thể rút vốn ra được vì vốn của họ vẫn chưa được hoàn trả. Để tránh mất trắng, họ chỉ còn cách lôi kéo thêm nhà đầu tư khác để thu hồi ít vốn cho mình.
  • Thiếu thông tin và giấy tờ hợp pháp: Tổ chức hoặc công ty liên quan đến mô hình Ponzi thường không có lịch sử rõ ràng, không có giấy tờ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hoặc có thể làm giả. Điều này làm cho việc xác minh của nhà đầu tư trở nên khó khăn.

Cách phòng tránh dự án có mô hình Ponzi hiệu quả

Để bảo vệ bản thân trước mô hình Ponzi, bạn cần thận trọng trước các cơ hội đầu tư từ “trên trời rơi xuống”. Nhất là những lời mời gọi vào cơ hội đầu tư dài hạn, đặc biệt là tại một thị trường đầy biến động và rủi ro như tiền điện tử.

  • Cần tìm hiểu thông tin liên quan đến dự án: Liệu có sự mập mờ, bí mật không muốn được công khai như lộ trình phát triển, công nghệ,… 
  • Nguyên tắc phải nhớ: Lợi nhuận càng cao – rủi ro càng cao
  • Chú ý đến số liệu thực tế: Các số sách, báo cáo công khai, số liệu thông tin đầu tư, white paper, …
  • Đưa ra quyết định dựa vào dữ liệu phân tích cơ sở rõ ràng: Không nên dựa vào sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của người khác.

Lời kết

Hy vọng thông qua bài viết này có thể giúp mọi người biết được mô hình Ponzi là gì? Cách hoạt động cũng như dấu hiệu nhận biết mô hình Ponzi.

Đây là hình thức lừa đảo theo hệ thống và cực kỳ chuyên nghiệp. Vì thế, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo để tránh “sập bẫy” của kẻ lừa đảo, dẫn tới “tiền mất tật mang”.

Trước khi đầu tư bạn cần đặt ra các nghi vấn đề cơ hội lợi nhuận, rủi ro, chi phí. Hiểu rõ bản chất của khoản đầu tư không bao giờ là dư thừa để bạn đưa ra quyết định đúng đắn cho tài chính của mình. Chúc các bạn đầu tư thành công.