Được đánh giá là một trong những giải pháp giao tiếp cross-chain hàng đầu, Axelar Network đã và đang xây dựng cho mình một hệ sinh thái nổi bật với sự hậu thuẫn của những quỹ đầu tư hàng đầu thị trường như Coinbase Ventures hay Binance Labs. 

Trong bài viết dưới đây, cùng cafebit tìm hiểu xem Axelar Network là gì, từ đó có cái nhìn tổng quan về tầm ảnh hưởng và vai trò của dự án này trong thị trường crypto.

Axelar Network là gì?

Axelar Network là một nền tảng blockchain với mục tiêu cung cấp giải pháp giao tiếp an toàn và hiệu quả cho các blockchain. Đây đóng vai trò như cầu nối giúp các blockchain có thể kết nối, trao đổi dữ liệu và tài sản một cách tự do và thuận tiện. 

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường Web3 đang ngày càng phát triển và đòi hỏi yêu cầu cao về tính kết nối và tương tác giữa các nền tảng.

Ví dụ, xét trường hợp một người dùng muốn chuyển đổi đồng USDC từ blockchain Ethereum sang Solana để tham gia vào các hoạt động farming kiếm lợi nhuận. 

Trước khi có các giải pháp như Axelar, quá trình này có thể vô cùng phức tạp và mất thời gian, thường yêu cầu người dùng phải qua nhiều bước trung gian như chuyển tiền đến các sàn giao dịch tập trung, điều này không chỉ tốn kém về phí giao dịch mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Ngoài ra, những sai sót trong quá trình giao dịch, như việc sao chép sai địa chỉ ví, có thể dẫn đến thất thoát tài sản nghiêm trọng. Điển hình như trường hợp một người dùng đã mất trắng 1155 BTC (trị giá hơn 70 triệu $) chỉ vì đã copy nhầm địa chỉ ví gần đây. 

Chính vì thế việc lựa chọn những giải pháp giao tiếp cross-chain như Axelar là vô cùng cần thiết. Bởi đây là nền tảng cốt lõi cho phép người dùng dApp tương tác một cách trơn tru với bất kỳ tài sản hoặc ứng dụng nào trên bất kỳ blockchain nào chỉ qua một cú nhấp chuột, từ đó giúp loại bỏ rủi ro mất mát tài sản một cách đáng tiếc.

Điểm đặc biệt của dự án

Axelar Network sử dụng mô hình bảo mật Proof of Stake (PoS), một hệ thống đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho các giao dịch trên nền tảng. Các thông điệp và dữ liệu được định tuyến và xử lý bằng cách sử dụng các protocol không cần phép, giúp đảm bảo rằng mọi tương tác giữa các chuỗi là an toàn và không thể thay đổi.

Bên cạnh đó, Axelar còn cung cấp một tầng abstraction, giúp các nhà phát triển dễ dàng tích hợp và xây dựng các ứng dụng đa chuỗi mà không cần phải hiểu biết sâu sắc về chi tiết kỹ thuật của từng blockchain cá nhân.

Điều này không chỉ tăng cường sự sáng tạo và phát triển ứng dụng trong không gian Web3 mà còn giúp thúc đẩy sự tiếp nhận rộng rãi của công nghệ blockchain.

Cơ chế hoạt động của Axelar Network

Như mọi người đã biết, một thách thức lớn khiến cho nhiều dự án blockchain không thể tương tác hiệu quả với nhau là do sự không tương thích về cơ cấu dữ liệu, cơ chế bảo mật khác nhau, và sự phụ thuộc vào các bên trung gian.

Chính vì vậy, khiến cho những mạng lưới blockchain này có thể giao tiếp với nhau một cách dễ dàng và trơn tru là một điều vô cùng khó. Để giải bài toán này, đội ngũ của Axelar Network đã áp dụng các cơ chế sau:

Interchain Communication Protocol (ICP)

Axelar Network triển khai giao thức ICP cho phép các blockchain khác nhau trao đổi thông tin và tương tác một cách suôn sẻ. Giao thức này được thiết kế để đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn của dữ liệu trong suốt quá trình truyền tải, từ đó giảm thiểu rủi ro và tăng cường hiệu quả giao tiếp.

Decentralised Interchain Messaging (DIM)

Hệ thống DIM là một thành phần trọng yếu trong Axelar, nó không chỉ xác định các blockchain mục tiêu mà còn đảm bảo tính chính xác và hiệu quả của giao tiếp cross-chain. Bằng cách này, Axelar giúp giảm thiểu sự phức tạp và tăng cường độ tin cậy của các giao dịch cross-chain.

Decentralised Identifier (DID) và Verifiable Credential (VC)

Sử dụng công nghệ DID và VC, Axelar Network cung cấp khả năng quản lý danh tính và chứng chỉ xác thực. Điều này tạo điều kiện cho việc xác định tính chính xác của các bên tham gia và cung cấp tính năng xác thực trong tương tác giữa các blockchain, làm tăng tính bảo mật và minh bạch trong mạng lưới.

Cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS)

Mạng lưới Axelar hoạt động dựa trên cơ chế đồng thuận PoS, một hệ thống cho phép người dùng tham gia vào mạng lưới làm validator. Cơ chế này không chỉ giúp tăng cường bảo mật mà còn thúc đẩy sự tham gia và sở hữu cộng đồng, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và ổn định của mạng lưới.

Sản phẩm nổi bật của Axelar Network

Các sản phẩm chính của Axelar Network gồm có:

Cross-chain Gateway Protocol (CGP)

CGP là sản phẩm chủ lực của Axelar Network, hoạt động như một cổng giao tiếp liên chuỗi chịu trách nhiệm định tuyến và kết nối các hệ sinh thái blockchain khác nhau. Giao thức này giúp đảm bảo tính bảo mật cao và toàn vẹn của dữ liệu trong quá trình trao đổi thông tin và tài sản, giúp các blockchain có thể giao tiếp với nhau một cách suôn sẻ và an toàn.

Cross-chain Transfer Protocol (CTP)

CTP cung cấp một giải pháp tương tự như cách thức truyền dữ liệu qua Internet, giúp truyền tải dữ liệu giữa các blockchain. Nhà phát triển có thể sử dụng CTP để tạo ra các dApps đa chuỗi, cho phép lưu trữ và truy cập dữ liệu trên nhiều blockchain khác nhau.

Điều này không chỉ mở ra cơ hội cho việc phát triển các ứng dụng phức tạp mà còn giúp người dùng truy cập các ứng dụng thông qua các API quen thuộc như FTP và HTTP GET/POST, tạo một môi trường tương tác thuận tiện và linh hoạt.

Interchain Token Service (ITS)

ITS là một dịch vụ cho phép các nhà phát triển chuyển đổi native token của họ thành Interchain Tokens (IT), được hỗ trợ bởi cơ chế Proof of Stake của Axelar. Dịch vụ này bao gồm các smart contracts và bộ công cụ SDK, giúp nhà phát triển có thể mint và quản lý các token IT xuyên chuỗi một cách dễ dàng. 

Interchain Tokens có khả năng được trao đổi tự do giữa các blockchain mà Axelar hỗ trợ, hiện tại bao gồm các blockchain tương thích EVM (Ethereum Virtual Machine).

Tokenomics

Key Metrics

  • Token name: Axelar Network
  • Symbol: AXL
  • Blockchain: Ethereum
  • Token Standard: ERC-20
  • Circulating supply: 650,551,034 $AXL
  • Total Supply: 1,147,809,873 $AXL

Token Allocation

Release Schedule

Use Cases

Đóng vai trò là native token của Axelar Network, token $AXL được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Thanh toán phí: $AXL được dùng để thanh toán các khoản phí giao dịch và các chi phí phát sinh khác khi sử dụng mạng lưới Axelar Network. Điều này bao gồm phí cho các dịch vụ như truyền tải và xác thực giao dịch xuyên chuỗi, cũng như các hoạt động nâng cấp và bảo trì mạng lưới.
  • Quản trị: Chủ sở hữu token $AXL được trao quyền tham gia vào quá trình quản trị mạng lưới, nơi họ có thể stake token của mình để bỏ phiếu đối với các đề xuất thay đổi mạng lưới. Quyền quản trị này không chỉ củng cố tính phi tập trung của Axelar mà còn cho phép cộng đồng có tiếng nói trong việc hình thành tương lai của mạng lưới.
  • Stake để nhận thưởng: $AXL có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì tính bảo mật của mạng lưới. Người tham gia xác thực giao dịch, hay còn gọi là validator, cần stake AXL để được chấp nhận làm người xác thực. Họ nhận được phần thưởng dưới dạng AXL cho mỗi giao dịch họ xác thực, với mục đích khuyến khích họ duy trì sự an toàn và ổn định của mạng lưới.

Đội ngũ dự án

Axelar Network được hình thành và phát triển dưới bàn tay của hai nhà đồng sáng lập, Sergey Gorbunov và Georgios Vlachos, cả hai đều có bề dày kinh nghiệm và thành tựu đáng kể trong thị trường crypto.

Sergey Gorbunov không chỉ giữ vai trò là đồng sáng lập của Axelar mà còn là người sáng lập Algorand, một trong những dự án blockchain Layer 1 tiên phong với mức vốn hóa thị trường có thời điểm lên tới hơn 11 tỷ đô.

Bên cạnh đó, Georgios Vlachos, cũng là đồng sáng lập và hiện đang đảm nhiệm vai trò Head of Mathematics tại Algorand, giúp mang đến cho Axelar một nền tảng vững chắc về mặt kỹ thuật và toán học.

Nhà đầu tư

Là một trong những dự án tiên phong trong lĩnh vực cung cấp giải pháp giao tiếp liên chuỗi cho blockchain, Axelar Network đã thu hút được sự chú ý đáng kể từ các quỹ đầu tư.

Với tổng số vốn kêu gọi được là 28.8 triệu USD qua hai vòng gọi vốn ban đầu, Axelar đã thu hút sự tham gia của một loạt nhà đầu tư danh tiếng bao gồm Polychain, Dragonfly Capital, Coinbase Ventures, và Binance, cho thấy sự tin tưởng của giới đầu tư vào tiềm năng phát triển của dự án. Mức giá mà các dự án tham gia ở vòng Seed và Series A lần lượt là $0.028 và $0.213

Vào 15/2/2022, Axelar tiếp tục đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của mình bằng cách tiến hành vòng gọi vốn Series B, thu được 35 triệu USD và đạt mức định giá 1 tỷ USD, vòng đầu tư này đã chứng kiến sự quay lại của các nhà đầu tư lớn như Polychain và Dragonfly, cùng với sự tham gia của một số quỹ đầu tư mới. Mức giá mà các quỹ mua ở vòng này là 1$/AXL

Gần đây nhất, Axelar đã tạo ra được tiếng vang khi thông báo về việc hợp tác chiến lược với Microsoft để phát triển và tích hợp công nghệ Web3. Sự hợp tác này không chỉ là một cột mốc quan trọng đối với Axelar mà còn là một dấu hiệu cho thấy sự chấp nhận ngày càng tăng của công nghệ blockchain trong các doanh nghiệp và ứng dụng truyền thống. 

Mức giá hiện tại của AXL trên thị trường là 1.31$. Mức giá này không chênh lệch quá nhiều so với mức giá mà dự án chào bán trên Coinlist, hoặc thậm chí chỉ chỉnh hơn chút so với mức giá mà các quỹ đã phải bỏ ra để tham gia đầu tư ở trong các vòng Series B hay Series A.

Đối thủ cạnh tranh

Axelar Network đang đối mặt với sự cạnh tranh từ một số dự án blockchain khác, mỗi dự án đều có những đặc điểm và lợi thế riêng biệt trong việc thúc đẩy sự tương tác giữa các hệ sinh thái blockchain khác nhau:

Cosmos (ATOM)

Phát triển kể từ năm 2017, Cosmos đã trở thành một trong những dự án blockchain Layer 1 thu hút sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư và người dùng trong thị trường crypto. Với mục tiêu trở thành "Internet của các blockchain", Cosmos đã phát triển một hệ thống cho phép các blockchain khác nhau liên kết và giao tiếp thông qua công cụ mã nguồn mở của mình.

Wormhole (W)

Là một trong những giao thức phục vụ cho việc di chuyển tài sản giữa các blockchain, Wormhole đã hỗ trợ hơn 30 mạng blockchain khác nhau bao gồm Ethereum, Solana, Avalanche, Near Protocol,... Nền tảng này cung cấp giải pháp cho việc trao đổi tài sản một cách liền mạch và hiệu quả giữa các hệ sinh thái blockchain, qua đó giúp người dùng có thể thực hiện các giao dịch một cách an toàn mà không cần phụ thuộc vào các bên trung gian.

LayerZero

Được xây dựng như một lớp giao thức cho phép giao tiếp an toàn giữa các blockchain, LayerZero giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các sàn giao dịch trung gian. Sự độc lập này mang lại cho người dùng khả năng thực hiện giao dịch qua các blockchain khác nhau mà không cần phải tin tưởng hoặc phụ thuộc vào bất kỳ bên thứ ba nào, tăng cường tính minh bạch và an toàn trong các giao dịch.

Sự hiện diện của các đối thủ cạnh tranh như Cosmos, Wormhole, và LayerZero phần nào đang thúc đẩy Axelar Network không ngừng đổi mới và phát triển sản phẩm của mình.

Tổng kết

Axelar Network được thành lập bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mật mã và toán học từ Algorand, điều này giúp chúng ta an tâm phần nào về nền tảng vững chắc của dự án này.

Mục tiêu chính của Axelar là đơn giản hóa sự tương tác của người dùng với các ứng dụng Web3, cho phép họ truy cập và sử dụng các dịch vụ này trên nhiều blockchain mà không cần phải lo lắng về những rào cản kỹ thuật hay khác biệt giữa các hệ sinh thái, từ đó giúp mang Web3 tới gần hơn với cuộc sống của mọi người.